Tất tần tật những điều cần biết về công ty tài chính
Cùng với sự phát triển của kinh tế, không khó để bạn có thể tìm được các nhà tuyển dụng chuyên viên tư vấn ngân hàng, các công ty tài chính hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ công ty tài chính và phương thức vận hành của nó.
Khái niệm công ty tài chính
Theo pháp luật Việt Nam hiện tại, công ty tài chính là một doanh nghiệp (hoặc công ty, công ty cổ phần) thuộc sở hữu của một tổ chức tín dụng có nhiệm vụ huy động vốn đầu tư, cung cấp các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính và một vài dịch vụ khác hoạt động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những công ty này lại không được thực hiện các dịch vụ thanh toán cũng như nhận tiền gửi dưới 1 năm.
Vai trò của công ty tài chính
Không phải ngẫu nhiên mà sự ra đời, phát triển của các doanh nghiệp tài chính được bảo hộ bởi hệ thống pháp luật. Xét về góc nhìn kinh tế, xã hội những công ty này có vai trò quan trọng đối với hoạt động tiêu dùng của người dân. Nhiều chuyên gia nhận định, các đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế đang phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh tiêu dùng của người dân. Đồng thời, nó cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là với phân khúc người dùng có thu nhập thấp, từ đó gia tăng sự hiểu biết về kinh tế tài chính đồng thời gián tiếp thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ngoài ra, dựa trên nguyên tắc hoạt động, các công ty về tài chính như một chiếc ‘’cầu nối’’ kịp thời, chính xác giữa người có vốn và người đang cần vốn, mang lại lợi ích hợp lý cho cả hai bên. Chưa kể những công ty này cũng thường xuyên điều chỉnh lãi suất phù hợp với thị trường để cân đối hoạt động tài chính.
Phương thức vận hành của công ty tài chính
Huy động vốn
Một trong những công việc cực kì quan trọng của công ty tài chính là huy động vốn. Để thực hiện nhiệm vụ này, các công ty tiến hành nhận tiền với kỳ hạn từ 1 năm trở lên của cá nhân, tổ chức giống như hình thức gửi tiền ở ngân hàng và mọi hoạt động này đều tuân theo quy định của ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Song song với việc nhận tiền gửi, doanh nghiệp tài chính sẽ tiến hành phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, các loại chứng chỉ tiền gửi và nhiều giấy tờ có giá trị khác nhằm mục đích tối đa nguồn vốn cả trong và ngoài nước để phục vụ hoạt động của tổ chức.
Ngoài ra, nguồn vốn của các doanh nghiệp tài chính có thể được huy động từ việc đi vay những tổ chức tài chính khác ở trong và ngoài nước. Đồng thời cũng tiếp nhận một nguồn vốn ủy thác từ chính phủ cũng như cá nhân hoặc tổ chức khác.
Hoạt động cho vay
Với nguồn vốn của công ty, các doanh nghiệp tài chính triển khai các hình thức cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, hình thức vay ủy thác của chính phủ, cá nhân hay tổ chức trong và ngoài nước cũng được tiến hành dựa trên các hợp đồng rõ ràng và tuân thủ quy định của pháp luật.
Nếu như bạn muốn vay tiền để mua trả góp phục vụ nhu cầu bản thân thì vay tiền tại các doanh nghiệp tài chính cũng là một lựa chọn không tồi.
Chiết khấu, tái chiết khấu
Những công ty này sẽ cung cấp tín dụng theo hình thức chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố trái phiếu và một số loại giấy tờ có giá trị khác để huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Bảo lãnh
Doanh nghiệp tài chính tiến hành bảo lãnh dựa trên uy tín và khả năng của mình đối với cá nhân/tổ chức nhận bảo lãnh.
Bên cạnh những hoạt động ở trên, những doanh nghiệp này có thể sẽ triển khai một vài hoạt động khác nữa như đầu dư dự án theo từng thời điểm, kinh doanh vàng, mua cổ phần tại các doanh nghiệp, tổ chức khác, cung ứng những dịch vụ tư vấn cho khác hàng về kinh tế, tiền tệ, cầm đồ, cho thuê tủ két hay các dịch vụ bảo quản giấy tờ giá trị, bảo quản hiện vật,…
Hình thức tổ chức hoạt động của công ty tài chính
Cụm từ công ty tài chính không còn xa lạ với nhiều người, song để hiểu cặn kẽ về nó, nhất là phương thức hoạt động thì không đơn giản bởi chúng bao gồm rất nhiều loại hình tổ chức khác nhau. Cụ thể như sau:
Doanh nghiệp tài chính nhà nước: Tức là những doanh nghiệp tài chính thuộc sự quản lý của nhà nước, vốn đầu tư của nhà nước, được thành lập và tổ chức việc hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp tài chính cổ phần: Huy động vốn dưới hình thức cổ phần tức là nhiều cá nhân và tổ chức cùng góp vốn để thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành.
Doanh nghiệp tài chính thuộc tổ chức tín dụng: Với loại hình này, các công ty được thành lập do tổ chức tín dụng lập ra dựa trên nguồn vốn tự có theo quy định pháp luật hiện hành. Và tổ chức tín dụng có quyền sở hữu doanh nghiệp này, hạch toán hoàn toàn độc lập.
Doanh nghiệp tài chính liên doanh: Được thành lập dựa trên nguồn vốn góp giữa một bên Việt Nam (một hoặc nhiều doanh nghiệp, tổ chức tín dụng) và một bên đối tác nước ngoài cũng bao gồm một hoặc nhiều doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trên cơ sở là hợp đồng liên doanh.
Doanh nghiệp tài chính hoàn toàn vốn nước ngoài: Tức là doanh nghiệp có 100% nguồn vốn là thuộc sở hữu của doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định mới của pháp luật thì các tổ chức tài chính nhìn chung được chia thành 3 loại: Công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phẩn chứ không phức tạp với nhiều loại hình công ty như trước nữa.
Thời gian hoạt động của tổ chức tài chính là bao nhiêu năm?
Tối đa là 50 năm. Đây là thời điểm hoạt động tối đa với các tổ chức tài chính được kể từ khi đăng kí thành lập. Dĩ nhiên, việc gia hạn là có thể nếu bạn muốn tiếp tục hoạt động, nhưng phải đảm bảo được bên ngân hàng Việt Nam chấp nhận và thời gian gia hạn cũng không được quá 50 năm.
Mức vốn so với ngân hàng của tổ chức tài chính
Nếu như đặt lên bàn cân so sánh vốn của ngân hàng và tổ chức tài chính thì các doanh nghiệp tài chính luôn có số vốn thấp hơn. Theo quy định của pháp luật, số vốn để lập công ty tài chính là 300 tỷ đồng (với công ty lập trước 31/12/2018) và 500 tỷ đồng (nếu lập sau 31/12/2018).
- 8 câu hỏi thường gặp nhất khi phỏng vấn nhân viên ngân hàng
- Tổng quan về ngân hàng quốc tế và kỹ năng xin việc tại Việt Nam
- Các ngân hàng Việt Nam có lương cao nhất và bí kíp xin việc thành công
Như vậy, sự ra đời và hoạt động của công ty tài chính giúp hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động vốn của kinh tế, xã hội, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. Nó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời cũng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nói chung. Nếu người tiêu dùng có ý định vay vốn từ các tổ chức này, nên tìm hiểu thật kĩ về thủ tục, số vốn, lãi suất, kỳ hạn đồng thời trang bị cho mình kiến thức cần thiết để hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nhé!
Nguồn: http://timviecnganhang.com/
Bài viết liên quan