Các ngân hàng Việt Nam có lương cao nhất và bí kíp xin việc thành công
Các ngân hàng Việt Nam nằm top đầu về trả lương nhân viên hậu hĩnh. Vậy làm sao để tìm việc ngân hàng thành công? Lọt qua vòng phỏng vấn? Dưới đây là bí quyết cho bạn.
- 5 kinh nghiệm “vàng” giúp bạn tìm việc làm ngân hàng dễ dàng
- Tuyệt chiêu tìm tin tuyển dụng ngân hàng nhanh, hiệu quả
Nhắc đến xin việc thì các ngân hàng Việt Nam luôn nằm trong nhóm được người lao động tìm kiếm cao nhất, lý do là vì môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ tốt và đặc biệt là thu nhập hấp dẫn, so với nhiều ngành nghề khác thì mức lương ‘nhỉnh’ hơn rất nhiều. Cùng tìm hiểu xem nhân viên ở ngân hàng nào có mức lương cao nhất và bí quyết để ứng tuyển thành công vào các vị trí trong các nhà băng này nhé!
Ngân hàng nào trả lương cao nhất?
Dựa vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam trong năm vừa qua đều thấy rằng lợi nhuận tăng trưởng, một trong số đó phải kể đến như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank, VPBank,… Việc các ngân hàng đạt lợi nhuận tốt thì mức lương và thưởng của nhân viên cũng tăng đáng kể. Cụ thể như sau:
Ngân hàng Vietcombank
Vietcombank là đơn vị dẫn đầu về mức chi lương và thưởng cho nhân viên với bình quân mỗi đầu người là 32,3 triệu/tháng. Mức lương này tăng khoảng 22% so với mức 26,5 triệu/tháng năm 2016. Cao nhất trong số các ngân hàng công bố báo cáo tài chính, không chỉ vậy Vietcombank luôn là quán quân về chi lương thưởng cho người lao động.
Ngân hàng BIDV
Đứng thứ 2 là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mức thu nhập bình quân đạt 29,2 triệu/tháng.
Ngân hàng Quân đội
Nhà băng này đứng thứ ba hệ thống trong việc chi trả lương cho nhân viên với 25,9 triệu/tháng, tăng gần 6 triệu đồng mỗi tháng so với năm trước. Trong năm vừa qua, MBBank khiến giới ngân hàng thán phục khi công bố kết quả kinh doanh có khoản lãi cao nhất trong lịch sử với gần 5.400 tỷ đồng.
Ngân hàng TPBank
TPBank trong năm 2018 có lợi nhuận tăng gần gấp đôi nên phần lương của nhân viên cũng tăng 57% so với năm trước. Thu nhập bình quân mỗi nhân viên TPBank đạt hơn 25 triệu đồng mỗi tháng.
Ngân hàng VIBank
Ngân hàng VIBank có sự cải thiện rõ rệt nhất với mức tăng số lượng nhân viên 32%, tăng trưởng thu nhập lên đến gần 24% từ 16,5 triệu đồng lên 20,4 triệu/tháng, lọt vào top 5 ngân hàng có mức thu nhập cao nhất.
Ngoài ra, các ngân hàng có mức lương trả nhân viên cao như: ngân hàng Eximbank dao động từ 15 – 18,3 triệu. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), LienVietPostBank, TPBank, BacABank, VPBank trung bình lần lượt 16,6-19,6 triệu/tháng.
Việc các ngân hàng Việt Nam đồng loạt nâng mức thu nhập trung bình của nhân viên cho thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính, là thước đo để khách hàng đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ của chính ngân hàng. Tuy nhiên, việc tăng mức thu nhập cũng không làm sự luân chuyển nhân sự trong các ngân hàng giảm đi.
Theo khảo sát, tìm việc ngân hàng thì nhân viên ở bộ phận kinh doanh sẽ có lương cao nhất, đặc biệt những người thuộc bộ phận kinh doanh vốn, ngoại hối thì thu nhập của họ thường cao gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí hơn thế so với các bộ phận khác. Ngoài lương, 2 vị trí này còn thưởng theo doanh số, cộng với lợi nhuận hàng quý, hàng năm.
Bí quyết xin việc ngân hàng thành công
Tìm việc ngân hàng không hề dễ, tỉ lệ chọi cao do tính cạnh tranh khốc liệt, điều này cho thấy ngành nghề này ‘hot’ như thế nào, nói vậy không có nghĩa là xin việc ngân hàng quá khó. Theo chia sẻ từ các ngân hàng thì họ vẫn thiếu nhân viên trầm trọng vì luân chuyển nhân sự mỗi năm, trong khi đó ứng viên xin việc lại chưa đáp ứng được những yêu cầu từ họ, đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng cho những ai có nhu cầu làm việc ngân hàng. Từ đó suy ra, cơ hội làm việc trong các ‘bank’ phụ thuộc vào chính bạn, cộng thêm một chút bí quyết này nữa thì khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn nhiều.
Rèn luyện kĩ năng
Điều này rất cần thiết, nhất là đối với các bạn sinh viên mới ra trường và thiếu kinh nghiệm. Để không phải lo lắng, bỡ ngỡ, các bạn có thể tìm hiểu, trau dồi kiến thức qua tài liệu như: Giả kim thuật tài chính (George Soros), Nhà đầu tư thông minh (Benjamin Graham), Biên độ an toàn (Seth Klarman), Quản trị rủi ro trong ngân hàng (Joel Bessis), Quản trị các chế định tài chính (Saunders), Những đòn tâm lý trong thuyết phục, Nghệ thuật giao tiếp thành công, Nâng tầm dịch vụ,…
Ngoài ra còn có các khóa học tài chính ngân hàng để bạn tăng thêm kiến thức cũng như tích lũy kinh nghiệm, làm đẹp hồ sơ cho mình khi xin việc như: UB Academy, VietNam Banker, Future Bankers, Viện Fmit,… Thêm vào đó, bạn sẽ có được nhiều chia sẻ bổ ích nếu tham gia các cộng đồng về ngân hàng lớn hiện nay như: https://ub.com.vn/, http://dannganhang.vn/, http://bankers.vn/,…Hoặc tìm kiếm cơ hội thực tập tại các ngân hàng như: VietinBank, BIDV, VIB, Agribank, Tecombank,…
CV xin việc
Nhiều ngân hàng Việt Nam sẽ đưa cho bạn mẫu đơn ứng tuyển riêng, bên cạnh đó họ còn yêu cầu thêm CV, đây có thể coi là cách nhà tuyển dụng đánh giá phần nào về ứng viên trước khi vào vòng phỏng vấn. Do vậy bạn đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, hãy trau chuốt cho hồ sơ xin việc của mình thật chuyên nghiệp và khoa học. Dưới đây là những lưu ý viết CV tìm việc ngân hàng giúp bạn ‘ăn điểm’, tạo ấn tượng với các chuyên gia ‘săn đầu người’.
+ Cấu trúc CV phải rành mạch, rõ ràng với bố cục trình bày hợp lý. Phông chữ tinh tế, căn lề chuẩn, tránh sự màu mè và hoa văn thái quá nhìn rối mắt. Hình thức CV sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được bạn là người làm việc khoa học, cẩn thận, phù hợp với tính chất của một nhân viên ngân hàng.
+ Chú trọng vào phần miêu tả công việc, liệt kê những vị trí thực tập hay kinh nghiệm đã từng làm trong các lĩnh vực liên quan như đầu tư, ngân hàng, kinh doanh, đây chính là điểm cộng trong mắt người tuyển dụng. Nếu mới ra trường thì hãy nhấn mạnh vào kiến thức, thành tích đạt được trong năm học, học bổng,…
+ Đừng quên kiểm tra lại CV, đặc biệt không mắc lỗi sai chính tả, để nhiều khoảng trắng, viết câu cú lủng củng, văn phong cẩu thả. Nếu phạm phải những điều trên thì CV của bạn sẽ bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp, cơ hội lọt vào vòng phỏng vấn nhỏ hơn 40%.
Đi phỏng vấn
Việc đối diện với nhà tuyển dụng sẽ khiến nhiều người lúng túng và mất tự tin, như vậy làm ảnh hưởng khá nhiều đến cơ hội của bạn. Hãy luyện tập trước ở nhà để có được phong thái tự tin, thoải mái trước những câu hỏi của họ. Trong cuộc phỏng vấn, bạn hãy mở đầu bằng cách chủ động giới thiệu bản thân, tập trung nhấn mạnh đến chuyên ngành học, kinh nghiệm, kĩ năng phù hợp với vị trí đang ứng tuyển, đừng lan man nói về sở thích, chứng chỉ không liên quan,…
Bên cạnh đó, lựa chọn trang phục nghiêm chỉnh, đúng mực, tốt nhất là chân váy đen và áo sơ mi trắng đối với nữ, quần tây đen kết hợp áo sơ mi trắng đối với nam để thể hiện sự chuyên nghiệp. Hãy luôn mỉm cười và trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, cố gắng nhìn thẳng vào vị trí tam giác giữa 2 mắt và miệng của người tuyển dụng. Tuyệt đối không được đến muộn, đừng quên nói câu cảm ơn sau khi kết thúc màn phỏng vấn.
>> Theo dõi ngay: Các thông tin tuyển digital marketing – một trong những ngành nghề HOT NHẤT hiện nay với mức lương hấp dẫn.
Kinh nghiệm thi và phỏng vấn ngân hàng
Vòng 1: Vòng Hồ sơ
Ngân hàng đưa ra một ‘Bản thông tin ứng viên’, bạn hãy khai đầy đủ thông tin một cách trung thực, đồng thời nêu lên điểm mạnh của mình
Vòng 2: Thi viết
– Thi Ngân Hàng sẽ thi viết về tiếng anh và tin học nên bạn cần có kiến thức nhất định.
– Nắm chắc lý thuyết chung về ngân hàng, các nghiệp vụ, luật ngân hàng và luật các tổ chức tín dụng.
– Nhiều ngân hàng áp dụng thi IQ và GMAT nên bạn hãy tham khảo thêm về phần này.
Vòng 3: Thi vấn đáp
Khi ở nhà bạn đã phải tìm hiểu trước để biết được văn hóa, đặc điểm về ngân hàng nộp hồ sơ, nhất là phần công việc vị trí ứng tuyển, tránh bị lúng túng khi nhà tuyển dụng hỏi.
Dưới đây là những câu hỏi thường gặp và gợi ý trả lời phù hợp giúp ích cho bạn:
– Hãy giới thiệu về bản thân?
Bao quát học vấn, kinh nghiệm làm việc và vị trí hiện tại. Tên em là ….. Em đã tốt nghiệp trường…. Hiện em đang làm ở công ty A, chức danh là …. Công việc chính của em là … trong thời gian làm việc ở đây em đã đạt được một số thành tích như …. (thể hiện bằng con số). Điểm mạnh của em là…
– Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì?
Nêu những ưu điểm của mình liên quan đến nhu cầu của nhà tuyển dụng. Phần nhược điểm cũng tương tự, đừng dại mà kể hết những điểm xấu của bản thân, hãy kể một vài điều không ảnh hưởng đến công việc sau đó nói về giải pháp khắc phục.
– Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?
Không nói xấu nơi làm việc, sếp cũ. Thay vào đó hãy trả lời: Vì môi trường làm việc chưa phù hợp, năng lực của em chưa thực sự được phát huy hết ở công ty cũ. Hơn thế nữa, em cảm thấy bản thân có nhiều đặc điểm thích hợp với các công việc trong ngân hàng nên mong muốn được làm tại đây.
– Tại sao bạn lại lựa chọn ngân hàng chúng tôi?
Bạn hãy tìm hiểu về báo cáo tài chính của ngân hàng đó, tính toán một số chỉ số phân tích, xem xét các thành tích mà ngân hàng đã đạt được. Ví dụ: Dựa vào mặt tài chính cho thấy ngân hàng mình được đánh giá khá mạnh thể hiện qua các số liệu như vốn chủ sở hữu, tổng huy động, tổng dư nợ là bao nhiêu? Bên cạnh đó, em thấy ngân hàng thường xuyên có hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng như… Vì vậy em mong muốn được vào ngân hàng bên mình.
- Ngân hàng tuyển dụng: Quy trình trở thành nhân viên chính thức
- Tất tần tật những điều cần biết về công ty tài chính
- 8 câu hỏi thường gặp nhất khi phỏng vấn nhân viên ngân hàng
Trên đây là tổng quan thông tin về các ngân hàng Việt Nam sẽ đem lại lợi ích cho bạn để tìm việc ngân hàng thành công hơn.
Nguồn: http://timviecnganhang.com/
Bài viết liên quan